Mười Năm Sau Khi Tôi Chết

Chương 1



Tôi chưa từng nghĩ mình cứ thế này mà chết.

Tôi chết ở tuổi mười chín.

Tuổi hoa rực rỡ rạng ngời còn chưa lấp lánh trên người tôi mà lại như sao băng lao vút xuống rồi bị đốt cháy tắt lụi theo sinh mạng tôi.

Tôi từng tưởng tượng, khi mạng sống tôi tới tuổi chiều tà thì nên khắc mộ chí* thế nào, tro cốt nên rải ra biển lớn hay nên chôn ở vùng núi có hoa hướng dương.

*Mộ chí: phiến đá hoặc tấm gỗ dựng trước mộ, ghi tên tuổi, quê quán, v.v. của người chết.

Nhưng mà cái chết đến một cách đột ngột không kịp chuẩn bị, thậm chí tôi còn không nhận biết được nguy hiểm đang đến, tiếng va chạm dữ dội của kim loại bỗng vang lên, trời đất quay cuồng.

Rất nhanh sau đó, tôi ngã vào vũng máu, đầu vỡ toang, máu me dính đầy mặt.

Tiếng còi hú của xe cảnh sát, tiếng hô hào hoảng hốt liên tục, dần dần phá hỏng con đường vốn nên yên ả vào buổi sáng thứ tư.

Người qua đường bạo dạn tò mò nhìn tôi, nắm cổ tay nói: “Đáng tiếc, trông rất trẻ.”

“Aiz, trong xe còn bánh kem kìa.”

Bây giờ tôi mới nhớ ra, tôi muốn đi tổ chức sinh nhật cho Hứa Kính Vũ.

Tối hôm qua, tôi và Hứa Kính Vũ cãi vã một trận.

Hai bọn tôi từng cãi nhau rất nhiều lần, quá nửa là tôi chủ động gây sự, anh ấy ngoan ngoãn xin lỗi.

Dù cho anh ấy tức bốc khói luôn nhưng anh ấy vẫn dịu dàng, làm người kèo dưới xin tha thứ, dỗ tôi xong mới dám nhẹ nhàng kêu ca đôi câu: “Tống Ngôn, em hơi bị ngang ngược rồi đấy nhá.”

Tôi nhướng mày lên: “Có ý kiến?”

“Hoàn toàn không có.” Hứa Kính Vũ giơ tay phải lên thề, dáng vẻ thong dong như ai kia chưa tán tự đổ, bất đắc dĩ thở dài, “Ai bảo anh thích em kia chứ.”

Nhưng tối qua lại khác.

Nguyên nhân là vì khi tiệc sinh nhật của anh ấy kết thúc thì quá muộn rồi, không đuổi kịp chuyến tàu điệm ngầm cuối cùng, thuê xe lại quá đắt.

Tôi muốn tiết kiệm tiền nên ở tạm một buổi tối ở bên ngoài trường của anh ấy.

Hứa Kính Vũ muốn bắt taxi đưa tôi về trường rồi anh ấy tự quay về sau.

Tôi thực sự không hiểu anh ấy mất công đi đi lại lại như thế làm gì, cãi nhau đến cuối cùng tôi lôi đòn sát thủ ra, hỏi anh ấy: “Có phải anh hết yêu em rồi không?”

Vốn dĩ vào lúc này, Hứa Kính Vũ sẽ chịu thua ngay lập tức, nhưng lần này tôi đợi ba giây mà điện thoại lại bị dập máy!

Hứa Kính Vũ quá đáng rồi đấy.

Nhưng người lớn không chấp trẻ con, hôm nay tôi vẫn dậy từ rất sớm, trang điểm tươm tất, sau đó chen chúc trong khung giờ cao điểm ban sáng vào nội thành lấy bánh kem đã đặt trước cho Hứa Kính Vũ.

Sợ tàu điện ngầm đông người bánh kem bị ép biến dạng, cũng sợ lớp trang điểm bị quệt nhòe mất, tôi đành bỏ ra một khoản lớn gọi xe đi tìm anh ấy.

Bình thường tôi không để ý hình tượng thế đâu nhưng người tôi đi gặp là Hứa Kính Vũ cơ mà.

Ai bảo tôi thích Hứa Kính Vũ cơ chứ.

Nhưng lần này thì hay, trên đường đi xảy ra tại nạn giao thông, tôi chết rồi.

Hứa Kính Vũ không được bao giờ gặp được tôi nữa.

Ai bảo tối hôm qua anh ấy cúp ngang cuộc gọi của tôi chứ.

Hừ, đáng đời!

Nhưng mà rất nhanh sau đó, tôi không nghĩ thế nữa.

Phòng xác lạnh ngắt, một ngày chết bao nhiêu người mà tôi lại là đứa xấu nhất.

Nửa gương mặt bị đụng hỏng, nhiều chỗ trên thân thể nát bươm, xương và thịt bị nghiền thành một đống bùn.

Tôi thực sự không dám nhìn bản thân.

Nhưng tôi không dám rời khỏi phòng xác.

Vì bên ngoài là tiếng khóc xé lòng.

Mẹ tôi, Trần Thúy Lan, bà Trần, giáo viên dạy Toán ở trường cấp ba tuyệt vời, bà ấy đeo kính mắt gọng mỏng, mím chặt miệng thành một đường thẳng, thành tích môn toán của lớp bà ấy đứng đầu trong nhiều lần thi cử, học sinh đặt cho bà ấy biệt danh “Diệt Tuyệt sư thái”.

Một người giỏi như thế lại lúc này lại khóc cong cả người, quỳ trên mặt đất không dậy nổi, bà ấy khóc vỡ cả giọng, giọng vừa thô vừa khàn, cứ như khóc ra máu luôn rồi vậy.

Nước mắt rơi làm nhòe lớp trang điểm của bà ấy, cái chết của tôi khiến những vết nhăn của năm tháng càng sâu thêm, tăng thêm cả vẻ buồn khổ.

Tóc rối bù xù, sợi nào cũng không nghe lời, đều là dáng vẻ bi thương.

Khi còn sống, tôi chỉ nghĩ bà Trần là một người phụ nữ trung niên khỏe như vâm, giờ chết rồi mới thấy hình như bà ấy đã già rồi.

Tài xế gây ra chuyện đứng thẳng tắp ở bên cạnh, cúi đầu xưng tội: “Chị gái, đều là lỗi của tôi, tôi sẽ bồi thường, tôi sẽ chịu trách nhiệm, xin chị nén bi thương…”

“Bồi thường?” Bà Trần giương nanh múa vuốt nhào tới, “Ông lấy cái gì để bồi thường, Ngôn Ngôn mới mười chín tuổi, tôi vất vả nuôi nó lớn, cuộc đời nó vừa mới bắt đầu.”

Lời lên án khiến tài xế gây chuyện cúi đầu thật thấp.

Bố tôi ông Tống vẫn giữ được hai phần lý trí, bước lên ôm bà Trần vào lòng, nhỏ giọng an ủi bà ấy: “Bà Trần, bình tĩnh, chúng ta bình tĩnh lại.”

Thấy ông ấy không đứng về phía mình, bà Trần giận đùng đùng quay đầu lại, thấy nước mắt lóe lên trong đối mắt mờ đục của ông Tông lại mềm lòng,

Im lặng một lúc lâu, chỉ nói một câu: “Nhưng Ngôn Ngôn của chúng ta không còn nữa.”

Môi ông Tống giần giật, không lên tiếng, nước mắt bắt đầu tuôn rơi ròng ròng.

Ba tiếng sau, Khúc Tư Nguyệt đến.

Cô ấy là bạn thân từ nhỏ của tôi, đứng trước thi thể đậy kín vải trắng của tôi căng giọng gào khóc thật to.

Giọng cô ấy khàn khàn, khóc mà như đập bừa lên cái chiêng vỡ vậy, tôi bịt tai lại, không quên nói móc đôi câu: “Khúc Tư Nguyệt, bà vừa vừa phai phải thôi, tôi nhìn thấy cả amidan của bà rồi kìa.”

“Không, nếu nhìn thấy dạ dày của bà, bên trong có cả tôm hùm đất mất.”

“Rốt cuộc bà giảm béo hay giảm thọ cho tôm hùm đất thế?”

Tôi quấn lấy cô ấy châm chọc cười cợt một lúc lâu, cô ấy không để ý gì tới tôi hết.

Đương nhiên cô ấy không để ý đến tôi, vì tôi chết rồi, chỉ còn hồn bay lung tung ở nhân gian, trở thành ma trong truyền thuyết.

Cô ấy khóc xong thì đi an ủi bố mẹ tôi.

Trong nhà xác bỗng quạnh quẽ.

Tôi bay một lúc thì thấy chán, bèn ngồi xổm ngây người trước thi thể của mình.

Phòng bên cạnh có một bác gái nói chuyện với tôi: “Cô bé, đợi ai hả?”

Tôi không thừa nhận: “Cháu không chờ Hứa Kính Vũ đâu.”

Bác gái: “Bạn trai cháu sao?”

Tôi: “Một tên ngốc.”

“Cô bé à, đừng ôm ấp hi vọng với đàn ông.” Rất dễ thấy, bác gái nghĩ thông suốt rồi, bi quan khuyên tôi, “Bọn họ chỉ đau khổ mấy ngày, thất đầu của chúng ta còn chưa qua mà bọn họ đã có thể tìm người phụ nữ mới thắm thiết rồi, bây giờ có khóc tan nát cõi lòng cũng có là gì đâu.”

Tôi không nói gì.

Bác gái chết vì bệnh tật, sau khi chết bác ấy ở nhà xác ba ngày liền vì không thể liên lạc với chồng của bác ấy.

Chồng bác ấy tìm người tình ở bên ngoài từ lâu rồi, người tình đang gây chuyện đòi có danh phận, bác ấy qua đời, đúng lúc tác thành cho đôi cẩu nam nữ đó.

Nhưng Hứa Kính Vũ không biết.

Hứa Kính Vũ nghe lời tôi nhất, thích tôi nhất.

Hồi tự học buổi tối năm lớp mười hai, anh ấy lặng lẽ xem hướng dẫn chọn trường các năm vừa qua, xem điểm của tôi để chọn trường cho mình.

Sau đó bọn tôi vất vả mãi mới đỗ cùng một thành phố, nhưng tôi bị chuyển tới chuyên ngành ít được chú ý, mới chớp mắt một cái khuôn viên trường biến từ khu đại học thành ngoại thành chim không thèm ị.

Rõ ràng hai người ở cùng một thành phố mà lại cách nửa tiếng đi tàu điện ngầm.

Mỗi khi anh ấy không có tiết đều tới trường tôi tìm tôi, qua hơn một năm, anh ấy biết món gì ở cửa nào, ở nhà ăn nào trong trường tôi mới ngon còn rõ hơn cả tôi.

Tất cả ảnh đại diện các tài khoản mạng xã hội của anh ấy đều là tôi, mỗi ngày báo cáo sinh hoạt đúng giờ.

Hứa Kính Vũ yêu tôi như thế, tôi chết rồi, anh ấy sẽ không yêu đương ngay khi thất đầu của tôi còn chưa qua.

Ít nhất phải một năm, không, ba năm!

Hứa Kính Vũ phải chờ tôi chết ít nhất ba năm mới được yêu đương.

Tôi tin tưởng anh ấy, tin tưởng tình yêu của chúng tôi, niềm tin vững chắc như Mặt Trời mọc đằng Đông lặn đằng Tây vậy.

Nhưng mãi anh ấy không đến gặp tôi, tôi giận rồi.

Liệu có phải hôm nay anh ấy không hề gọi điện cho tôi, sinh nhật không có tôi cũng rất vui vẻ hay không?

Thậm chí anh ấy không biết tôi đã chết.

Tôi nằm nhoài lên thi thể mình suy nghĩ lung tung.

Bên ngoài tối mịt, cửa phòng xác dày nặng chậm rãi mở ra.

Hứa Kính Vũ đến rồi.

Tên nhóc nhà anh còn biết đền đấy à!

Tôi lập tức xông lên đấm đá anh ấy, đấm móc lên, đấm móc dưới, đấm móc ngang, đấm vung cả hai tay, đấm ba phát liên tiếp, thêm cả xoay chân vô ảnh cước.

Nhưng mà bây giờ tôi chỉ là một hồn phách, tất thảy quyền cước đều không có tác dụng trên người anh ấy, rõ ràng ở gần nhau trong gang tấc nhưng tôi chỉ có thể trơ mắt nhìn anh ấy xuyên qua tôi đi về phía thi thể.

Anh ấy cao như thế, còn kiên trì luyện tập, là một tay cừ khôi trên sân bóng rổ.

Đi đứng eo lưng thẳng tắp, không hề cúi chút xíu nào, cũng không lắc lư gì cả.

Tôi tức giận đi sát theo, chóp mũi chạm chóp mũi, chất vấn anh ấy: “Sao giờ anh mới đến, hoàn toàn không quan tâm em chứ gì?”

Hứa Kính Vũ không nghe thấy lời tôi nói, anh ấy cũng không nói gì, đôi mắt đẹp đẽ nhìn chằm chằm vải trắng trên người tôi, không động đậy.

“Biết mình đuối lý rồi hả?” Tôi nhướng mày lên.

Em chết rồi, nhóc ạ, cho anh đau lòng chết luôn.

Nhưng Hứa Kính Vũ không khóc, ngay cả vành mắt cũng không đỏ, tay đặt lên tấm vải trắng như muốn vén lên.

“Đừng…”

Tôi vội vàng ngăn anh ấy lại.

Hứa Kính Vũ khựng tay.

… Vì nhân viên ở đấy cũng khuyên anh ấy như thế.

Đừng nhìn em, dáng vẻ em chết thê thảm lắm, rất đáng sợ, bà Trần, ông Tống và Khúc Tư Nguyệt còn không nhìn, anh cũng không cần nhìn đâu.

Em chỉ muốn anh đau buồn, không muốn anh sợ.

Nhưng Hứa Kính Vũ rất cứng đầu, cánh tay dùng lực, lật vải trắng lên một đoạn.

Nửa gương mặt máu thịt be bét của tôi lộ ra.

Tôi không dám nhìn bản thân, nhanh chóng giơ tay lên che mắt, lại có chút chờ mong, hơi hé tay ra, nhìn Hứa Kính Vũ.

Khiếp sợ.

Hãi hùng.

Buồn nôn.

Bi thương.

Tôi muốn xem anh ấy sẽ có phản ứng thế nào, tiếc là chẳng có phản ứng gì hết.

Vẻ mặt anh ấy vẫn bình thản như trước, y như bức tranh sơn dầu trên trên tường, không biến đổi chút xíu nào nhưng lại rất đẹp.

Một lúc lâu sau, ngón tay anh ấy dán sát vào gương mặt hoàn toàn biến dạng của tôi, tìm đúng vị trí môi tôi.

Nhẹ nhàng vuốt v3 rồi lại vuốt tiếp.

Tôi cảm nhận được anh ấy có chút đau khổ, nhưng chỉ có một chút thôi.

Quả nhiên, giọng anh ấy vẫn bình tĩnh thong dong, nói một câu chẳng liên quan gì tới đau khổ.

Anh ấy nói: “Ngôn Ngôn, em vẫn chưa chúc anh sinh nhật vui vẻ.”


Mẹo: Bạn có thể sử dụng trái, phải, A và D phím bàn phím để duyệt giữa các chương.