Tọa Hoài Bất Loạn

Chương 356: Ngoại truyện 1: Trăng tỏ nhành lau



Các bạn đang đọc truyện Chương 356: Ngoại truyện 1: Trăng tỏ nhành lau miễn phí tại medoctruyenchu.com. Hãy tham gia Group của truyện mới, truyện full, Truyện chữ Miễn Phí Hằng Ngày trên Facebook nhé mọi người ơi, để cập nhật truyện nhanh nhất!!

****************************​

Nếu không phải vì lúc lên chùa dâng hương được cho bánh Trung Thu chay thì đúng là Mạnh Thanh đã quên phéng luôn hôm nay là Trung Thu. Bình thường hắn không xin quẻ, nhưng riêng hôm nay thì lại đặc biệt xin thử một quẻ ở chùa, kết quả quẻ chẳng đẹp gì. Trên quẻ viết “Trâu sắt thả đi vô tung tích, trăng tỏ nhành lau quân tự nhìn[1].” Hắn bèn nhờ đại sư trong chùa giải mã quẻ, song nói chung ý nghĩa không tốt, đâm ra hắn cũng không được vui.

1.

Hàn Cửu mang rượu đến tìm hắn mà hắn vẫn nín thinh, Hàn Cửu bèn bảo, “Tôi biết là anh cai rượu rồi. Anh uống trà còn tôi uống rượu không được à?”

Mạnh Thanh gật đầu, bảo, để tôi gọi ít đồ ăn.

Sau khi đã cơm no rượu đủ, Hàn Cửu tranh thủ men say khăng khăng đòi thách mấy chiêu với hắn, kết quả bị hắn túm cổ tay hất lên, ngã uỵch xuống đất, trông nhếch nhác vô cùng. Hàn Cửu xoa vai bò dậy trách móc mấy câu, hỏi hắn, “Gì vậy hả? Sao nóng tính thế.”

Mạnh Thanh vốn không muốn nói, cuối cùng vẫn không nhịn được, hắn bèn hỏi: “Cậu có quen ai đi Hồng Kông không? Hỏi thăm một người hộ tôi.”

Lúc bấy giờ Hàn Cửu mới hiểu nguyên cớ, hắn hắng giọng, vốn định bảo tìm đâu ra, thế nhưng nhìn thấy vẻ mặt của Mạnh Thanh thì lại bảo, “Thế để tôi đi hỏi thử.” Bảo thêm: “Anh hỏi thăm ai? Đừng bảo là Phó tam gia đấy nhé.”

Mạnh Thanh ừ tiếng, “Trên báo Hồng Kông không có tin về anh ấy, tôi không yên tâm được.”

Hàn Cửu đồng ý đi hỏi hộ hắn, song vẫn khuyên: “Anh Phó ở hiền gặp lành mà, không sao đâu, anh cứ yên tâm đi.”

Mạnh Thanh vẫn kiên quyết, “Thời buổi loạn lạc thế này vẫn phải nhìn thấy tin mới yên tâm được.”

Hàn Cửu lại nghĩ cách cho hắn, “Không phải cả nhà anh Phó đi Trùng Khánh hết rồi đó sao? Phải hỏi cả bên Trùng Khánh nữa chứ, nhỡ mà anh ta đi Trùng Khánh thì sao?”

Cuối cùng Mạnh Thanh cũng phấn chấn lên, “Cậu nói phải, có khi anh ấy đi Trùng Khánh rồi chưa biết chừng!” Cũng đã gần một năm, hẳn Phó Ngọc Thanh cũng hết giận rồi, biết đâu lại đi Trùng Khánh thật cũng nên?

Tiễn Hàn Cửu về, một mình Mạnh Thanh cầm quẻ xăm ngồi thẫn thờ trên xích đu hồi lâu.

Bấy nhiêu năm hắn với Phó Ngọc Thanh quen nhau, chẳng hiểu trời xui đất khiến thế nào mà chưa bao giờ cùng đón Trung Thu với nhau. Hắn không biết nay tam gia đang ở phương trời nào, chẳng nói chi đến chân trời góc bể, chỉ cần luôn thấy được vầng trăng rực rỡ trên trời cao là đã vui rồi.

Hắn cũng không biết tam gia thích ăn bánh Trung Thu loại nào. Bánh Trung Thu chay chắc không hợp khẩu vị của tam gia đâu nhỉ, hắn nhớ hồi Phó Ngọc Thanh đến Đông Đài, hắn mang bánh nướng nhân thịt đến cho anh ăn, anh thích lắm, y xì đúc Đình Ngọc. Đình Ngọc chỉ thích ăn bánh Trung Thu mặn thôi, đã vậy còn khảnh ăn dễ sợ, hồi bé thì còn đỡ chứ càng lớn càng khó tính, nhất định phải là bánh vừa mới nướng xong, chỉ cần nguội một tí là nhất quyết không chịu ăn.

Nghĩ vậy, hắn không nhịn được mỉm cười. Hai cha con này đúng là giống nhau không tả nổi.

Trong cái hộp gỗ của Phó Ngọc Thanh đựng rất nhiều những lá thư chưa từng gửi, tất cả đều là cho hắn. Tuy toàn mấy chuyện lặt vặt, song anh viết lại làm người ta đọc đi đọc lại mãi mà không nỡ đặt xuống. Bao nhiêu bức thư bấy nhiêu trang kín chữ, chồng thành một xập ngay ngắn, chỉ cần nhìn thôi tâm tình đã tốt hơn hẳn.

Lúc trông em, Đình Ngọc cũng hay nói nhiều thứ, phải lúc nào Chấn Ngọc ngủ chảy cả dãi, thằng bé mới tự lẩm bẩm. Có lần nọ Mạnh Thanh cố tình nghe trộm để xem rốt cuộc nó nói gì. Kết quả nghe thấy Đình Ngọc thì thầm, ngày mai đừng cưỡi ngựa nữa có được không? Ngựa nhỏ của anh già mất rồi, chờ có ngựa nhỏ mới rồi cưỡi tiếp nha, nó mệt quá không cưỡi được đâu. Mạnh Thanh nén cười, sau đó mua luôn cho thằng bé một con ngựa gỗ mới. Ngựa gỗ cũ thì mang đi quét sơn lại rồi mang về, Đình Ngọc vui như mở cờ, cười giòn tan, thằng bé kéo em chạy tới chạy lui đổi ngựa cho nhau, lại còn phấn khích đòi đặt tên cho ngựa mới, xong rất nghiêm túc dạy em cưỡi ngựa, mình thì đứng bên cạnh dắt như sợ em bị ngã.

Đình Ngọc còn rất biết nghĩ cho người khác, tối đi ngủ, trước tiên phải cởi hết giày ra trèo lên giường mắc màn, sau đó thì dỗ em ngủ. Sau này lúc học chữ thì học được chuyện nào là chăm chăm chờ kể cho em nghe chuyện ấy, có nước đường để uống cũng phải đút cho em trước. Thằng bé thương Chấn Ngọc cũng không uổng công, Chấn Ngọc mà khóc, chỉ cần Đình Ngọc ra bế là sẽ hết khóc liền, nhắm tịt mắt cuộn tròn trong lòng anh rồi thiếp đi.

Lắm khi hắn nghĩ, hồi nhỏ tam gia cũng ngoan ngoãn đáng yêu như vậy sao? Tiếc là hắn chẳng có duyên chứng kiến.

Lần đầu tiên hắn gặp tam gia là rất nhiều năm về trước. Lúc đó Phó Ngọc Thanh còn trẻ, chắc là không nhớ hắn, dù gì hồi đó hắn cũng chỉ là một cu li thấp hèn.

Sau khi lưu lạc đến Nam Kinh, hai mẹ con hắn sống cầu bơ cầu bất, chỉ có nhau để nương tựa, bao nhiêu tai họa ập lên đầu, mẹ hắn bệnh vô phương cứu chữa, cuối cùng ra đi, để có tiền chôn mẹ, hắn chỉ còn nước làm việc quần quật khắp nơi. Thấy người ta bảo ở Hạ Quan có một xưởng gạch trả lương cao, nhưng mà rất kén người, hắn bèn đến Hạ Quan để thử vận may, ai ngờ lại được chọn trúng thật.

Lò gạch đó thuộc về nhà Phó, bởi vì công nhân phải bốc dỡ gạch ngói ở bến tàu nên sống vừa bẩn thỉu vừa cơ cực, sáng sớm mở mắt ra đã bắt tay vào làm ngay, làm đến khi tối mịt không nhìn rõ đường mới thôi, chỉ có mỗi lúc ăn cơm là được nghỉ lại sức, song kể cả thế, biết bao nhiêu người vẫn giành giật nhau để chen một chân vào.

Hồi mới vào, quản lý hỏi hắn bao nhiêu tuổi, hắn báo quá tuổi một tí, đến khi vào mới biết thì ra đó là quy định cậu chủ bên này đặt ra, chỉ cần là lò gạch của nhà Phó thì đều không cho phép dùng trẻ con dưới mười bốn tuổi, coi như số hắn đỏ nên mới giấu được.

Hắn không thích nói chuyện, vóc người cao to, bẩm sinh đã trông giống người tráng kiện, vác gạch cũng được nhiều hơn người khác, năng suất một ngày luôn cao hơn mọi người, mà hắn thì lại không hòa đồng, chỉ biết cắm đầu làm việc nên thành ra cũng không mấy ai ưa.

Cái hôm chuyện xảy ra, vì hắn ham gánh nặng quá, bữa đó bên sông còn nổi sương mù, đất trơn nên nhất thời bước hụt, xong lại bị người đằng sau đẩy cho một cái, thế là ngã lộn xuống bậc đá, chân bị thương, mãi không bò dậy nổi.

Những tưởng đời hắn thế là hết, không ngờ quản lý lại đến bảo số hắn may, đúng lúc tam thiếu gia có mặt ở bến tàu, biết chuyện, thương hắn bơ vơ vất vả nên đã dậy lòng nhân từ, mời bác sĩ khám cho hắn, lại còn đón hắn về để dưỡng thương.

Hắn có nằm mơ cũng chẳng ngờ mình sẽ gặp được chuyện tốt như thế, theo lời căn dặn của tam thiếu gia, quản lý phát cho hắn đủ cả tháng lương, sao hắn dám nhận ơn huệ lớn nhường ấy đây? Huống hồ mẹ hắn còn đang trong chùa, sao hắn có thể yên tâm dưỡng thương ở đây được? Bởi vậy hắn nhất quyết không chịu nhận.

Chú Cảnh sang thăm hắn hộ tam thiếu gia, hỏi cho ra nhẽ sự tình, thương hắn trung thực quá nên lại đi xin hộ hắn, lúc về chú mừng rỡ bảo hắn, tam thiếu gia đã nhờ người gửi tiền cho mẹ cậu rồi, chọn được ngày là có thể đưa tang liền, bao giờ xong xuôi cậu cứ yên tâm mà dưỡng thương.

Hắn há hốc miệng không nói nên lời mất một lúc, sau đó ngọ ngoạy đòi dậy đi dập đầu cho vị tam thiếu gia nọ, lại bị chú Cảnh đè xuống. Các phu khuân ở bến tàu đều bảo hắn gãy cái chân là coi như thành người tàn phế, đâu ngờ lại gặp được một cậu chủ Bồ Tát sống như vậy? Chân hắn gãy mà tim cũng đau xót khôn nguôi, nhất thời mắt hắn đỏ hoe, “Đại ơn của tam thiếu gia, làm sao tôi nhận nổi?”

Chú Cảnh mới cười, “Thế thì mai mốt cậu đừng quên tam thiếu gia của bọn tôi, nhớ dâng hương cho cậu ấy là được rồi.”

Những ngày ở đường Hán Trung ấy, cả đời này hắn sẽ không bao giờ quên. Dù sau này khi đã phát đạt ở Thượng Hải, thỉnh thoảng hắn vẫn phải về Nam Kinh một dịp, lảng vảng trước cái nhà ở đường Hán Trung, mơ mộng hão huyền về một ngày có thể đi vào đó, được gặp lại tam thiếu gia.

Phó Ngọc Thanh chính là quý nhân trong số mệnh của hắn, dường như kể từ ngày ấy trở đi, vận may lại rơi vào tay hắn, cuộc đời hắn trở nên xuôi chèo mát mái, chẳng còn cơ hàn.

Chú Cảnh dẫn hắn đến đường Hán Trung, ở đó có một cái nhà kiểu Tây cực kỳ đẹp, nghe nói là của tam thiếu gia. Chú Cảnh bố trí cho hắn ở phòng của người làm ở phía Đông, dặn dò người khác chăm sóc cho hắn, bên khu đó có nhiều nhà thờ và bệnh viện, xong còn mời bác sĩ Tây đến khám cho hắn, chữa trị nối xương cho hắn, bảo nhà bếp để ý ăn uống giùm hắn. Vì còn trẻ, rất tuân thủ lời bác sĩ, nhà Phó chăm sóc hắn cũng rất tận tâm nên vết thương của hắn nhanh chóng khỏi, chẳng mấy chốc đã có thể chống gậy đi lại.

Lòng hắn bứt rứt vô cùng, hắn chỉ muốn tìm việc gì đó để làm, cuối cùng bị chú Cảnh lên lớp cho một trận rồi bảo hắn cứ yên tâm dưỡng thương thì hắn mới chịu thôi.

Đại khái là vào chính đận ấy, căn nhà Tây ở đường Hán Trung tự dưng lại tưng bừng náo nhiệt lên một trận. Người làm bận vắt chân lên cổ, chạy ra chạy vô như ăn Tết, ai cũng kháo nhau tam thiếu gia sắp chuyển vào ở. Hắn không ngờ mình lại được gặp ân nhân sớm như thế, không kìm được mừng rỡ, ngày nào cũng ngóng chờ.

Hắn thấy mọi người bảo cả lão gia với đại thiếu gia đều đã định cư ở Thượng Hải, bên Nam Kinh chỉ có mình tam thiếu gia, bình thường cậu chủ không quản lý việc nhà mà để cho chú Cảnh quyết hết, tính tình cậu hiền hòa dễ gần, là người tốt. Song thỉnh thoảng cậu chủ này sẽ đích thân đến nhà xưởng để giám sát công việc, một số quy định ở nhà xưởng ở Hạ Quan chính là do tam thiếu gia quyết định.

Những người làm lâu năm trong nhà đều bảo lúc đó số hắn may mới gặp được tam thiếu gia. Đối với Phó Ngọc Thanh, việc đó chẳng qua chỉ là nhấc một cái tay, nhưng đối với hắn đó là cả ân huệ trời ban.

Chưa tới hai ngày, vị tam thiếu gia nọ đã chuyển vào. Anh ta đến rất nhanh, đi xe ô tô màu đen, mở cửa ra là vào luôn. Mạnh Thanh đứng đằng sau toán người làm, cung kính chờ vị thiếu gia trẻ tới, hắn băn khoăn không biết sẽ là người thế nào. Hắn từ quê xuống, chưa bao giờ gặp người nào giàu như vậy, thầm đoán chắc là hiền từ đoan chính như Bồ Tát trong chùa nhỉ.

Người xuống xe trước tiên là một cậu thiếu niên mặc Âu phục ngay ngắn thẳng thớm, tóc chải từng sợi về sau, trông rất hoạt bát, chân đi đôi giày da sáng bóng nom rõ kiểu cách, giống sinh viên trường Tây mà ta hay bắt gặp ngoài đường. Thoạt tiên hắn tưởng đó là tam thiếu gia, nhưng ngay sau đó hắn đã biết đây chỉ là người hầu.

Người xuống sau mới là tam thiếu gia nhà họ Phó.

Anh ta không mặc áo dài với áo khoác ngắn mà bận nguyên một cây vest Tây, chống một cây gậy trơn loáng, chân đi đôi giày da Tây.

Quần áo Tây, gậy Tây, giày da, những thứ này hắn đều đã thấy người ta mặc, người ta chống lúc đi đường, cảm thấy rất là chướng mắt. Nhưng tam thiếu gia chống cây gậy ấy dường như lại là một chuyện rất đỗi tự nhiên. Quần áo Tây anh mặc lên người vừa phẳng phiu vừa gọn gàng, giày da cũng được lau sạch bong không dính một hạt bụi, thoạt nhìn khác hẳn những người khác.

Những đó còn chưa phải điều lạ nhất, điều lạ nhất chính là, lúc tam thiếu gia đi qua, hắn ngửi thấy một mùi thơm rất nhạt làm người ta sững sờ. Chân hắn không khỏe nên chú Cảnh không cho hắn đứng đằng trước. Mùi hoa ấy khiến hắn khó chịu tới nỗi không dám ngẩng đầu lên, ngặt nỗi hắn lại không kìm được muốn nhìn thêm.

Tam thiếu gia đứng trước mặt mọi người, cười bảo rằng mình sang ở đột ngột, làm phiền mọi người một thời gian, vô cùng áy náy nên đã bảo Đỗ Hâm cho mọi người ít tiền ăn sáng. Lúc bấy giờ cậu thiếu niên bên cạnh bèn phát những bao lì xì đến tay từng người, mọi người mới biết đây là tiền tam gia thưởng, vừa kinh ngạc vừa vui mừng.

Tam thiếu gia nói qua loa về quy tắc của anh, thật ra cực kỳ đơn giản. Bình thường có chuyện anh sẽ nhấn chuông, lương là lương, miễn tuân thủ nền nếp, làm cho xong việc thì khắc sẽ có thưởng. Ai nghe xong cũng phấn khởi, những mong được hầu hạ cậu chủ hào phóng này.

Da tam thiếu gia trắng muốt như một pho tượng Quan Âm bằng ngọc. Lông mi anh cong cong tựa vầng trăng khuyết, song đôi mắt lại rất ấm áp, dường như lúc nào cũng đượm nụ cười. Đôi ngọc ấy chỉ liếc một cái là như thấu được tận cõi lòng người ta, Mạnh Thanh thấy trống tim mình đập thình thịch, má tự nhiên nóng bừng lên, hắn sợ người khác nhìn thấy nên luống cuống cúi gằm mặt xuống.

Tam thiếu gia ngại phiền nên sẽ ở tầng một. Thư phòng với phòng khách nhỏ đều đã dọn dẹp xong, bên trong bày biện cơ man tạp chí cùng tranh ảnh Tây. Còn có cả mấy mòn đồ kỳ thú tam thiếu gia mua đây đó, nào máy hát, nào hòm thư, vô vàn đĩa hí cùng phim âm nhạc của phương Tây, nói chung là toàn những món đồ Tây chưa từng thấy qua. Quần áo tam thiếu gia mặc thì chất hẳn trong một phòng riêng, có rất nhiều quần áo Tây, đều do cái cậu thiếu niên tên Đỗ Hâm nọ thu dọn.

Tam thiếu gia còn đặc biệt thuê một đầu bếp biết nấu món Tây về, bữa sáng cũng là bữa sáng kiểu Tây. Ngày nào ăn gì chủ yếu là do Đỗ Hâm quyết định, chẳng trách hai đều bếp nịnh cậu chàng thì thôi rồi. Đôi khi tam thiếu gia cũng sẽ nổi hứng gọi người lên dặn dò vài thứ, song gần như không bao giờ làm khó ai, rất hay phát thưởng.

Mạnh Thanh ở dí trong nhà của người làm để dưỡng bệnh, đến khi vết thương đỡ thì không ở yên được nữa. Thấy tam thiếu gia hay đi ô tô, hắn bèn xung phong giúp lau xe. Chú Cảnh vừa nghe hắn bảo thế đã cười rằng, việc có người làm rồi, hắn không cần động tay động chân đâu, yên tâm dưỡng thương là được.

Hắn cảm thấy mình không dưng nhận được ân huệ lớn như thế từ nhà Phó thì phải báo đáp. Hắn thấp tha thấp thỏm, ba lần bảy lượt bảo chú Cảnh mình cũng muốn phục vụ thiếu gia. Chú Cảnh nghĩ nghĩ rồi mới bảo, thế thì để tôi đi hỏi thiếu gia, cậu đừng cuống.

Tam thiếu gia không phải lúc nào cũng ở nhà. Anh rất hay đến Thượng Hải chơi, phần lớn quần áo của anh là đồ đặt may từ thợ may ở Thượng Hải. Lúc ở Nam Kinh thì lại giản dị hẳn, ban ngày hay đến nhà xưởng bến tàu, ngân hàng cũng năng qua, đây đều là chuyện hắn nghe người làm kể.

Hai ba ngày sau, cuối cùng thiếu gia cũng từ Thượng Hải về. Không biết lần này có chuyện gì mà tự dưng anh muốn xem sổ sách trong nhà, xem hết một hôm thì kêu người qua hỏi. Người làm kháo nhau sổ sách làm sai, bị tam thiếu gia phát hiện. Có hôm chập tối, người làm đang ăn cơm thì chú Cảnh bỗng tới bảo mọi người, tam thiếu gia mời thầy về dạy chữ cho mọi người. Xong dặn Mạnh Thanh, “Nhất là cậu, học hành cho tử tế vào. Ai cũng có việc phải làm, nhỡ mà mọi người bỏ lỡ bài thì cậu dạy lại.”

Hồi mới tới Nam Kinh, Mạnh Thanh với mẹ cũng từng qua đêm ở trong chùa, giặt đồ cho các sư thầy, cũng kính Phật, dâng lễ cho Phật, nghe kinh Phật, song không biết chữ. Giờ có cơ hội ngàn vàng để học chữ thì đương nhiên hắn cực kỳ phấn khởi, đồng ý cái rụp.

Chú Cảnh bảo, người cậu bị thương, trước hết lo việc này thôi là được.

Hắn tuân theo như thánh chỉ vua ban. Chữ nào thầy dạy hắn cũng ghi tạc trong lòng, vì không nỡ phí giấy mực nên hắn múc nước vào đĩa rồi viết lên bàn.

Hắn không phải người thông minh nhất, song nhờ chuyên tâm mài dũa nên trong số những người làm, hắn lại là người học khá nhất. Có người học xong vẫn chưa viết được một lá thư, kẹt quá còn phải nhờ hắn viết hộ.

Chú Cảnh thấy hắn viết rất nghiêm túc, mỗi tội là chữ nghiêng nghiêng ngả ngả như gà bới, chú bèn đi mua vài tờ giấy viết chữ với tam thiếu gia để hắn chép chữ, tam thiếu gia nghe thế mới bảo chữ cháu không dễ chép đâu, rồi đặc biệt cho người đi mua bảng chữ mẫu thật to về đưa đến tận cửa hắn.

Mạnh Thanh sống ở phía Tây phòng cho người làm, chỉ cần đứng cạnh cửa sổ là có thể trông thấy tòa nhà kiểu Tây của tam thiếu gia. Lúc nào thiếu gia ra ngoài, bao giờ về, hắn đều nghe thấy, đều nhìn thấy. Hầu như thiếu gia không ở nhà, tối ra ngoài đi chơi là sẽ đi tít đến tận nửa đêm, thậm chí có hôm gần sáng mới về, sau đó đánh một giấc đến giữa trưa. Lúc nào không đi chơi thì gần trưa mới ra ngoài, chắc là đến nhà xưởng bến tàu, sau đó lại về dùng cơm, nhà bếp lúc nào cũng phải tính toán thời gian để chuẩn bị cơm trưa, tam thiếu gia về nghỉ một tí là muốn ăn cơm ngay. Hoặc có hôm ra ngoài thành phố để đi chơi với bạn thì hết nguyên ngày luôn, Mạnh Thanh đã gặp mấy lần, đều những người sàn sàn tuổi, rất thân với tam thiếu gia. Bất kể đi đâu, Đỗ Hâm sẽ luôn đi theo anh, cậu ta vừa sôi nổi vừa hoạt bát, ríu ra ríu rít y chang một con chim sẻ, chẳng được lấy một phút yên tĩnh.

Mạnh Thanh ghen tị lắm, cảm thấy sao cậu tốt số thế, được đi theo và phục vụ một người tốt như tam thiếu gia.

Trước giờ tam thiếu gia chưa từng khiển trách người làm, cũng không bao giờ bắt bẻ ai, đã vậy anh còn điển trai, luôn tươi cười, người làm ai cũng mong anh ở hẳn đó đừng đi nữa.

Lúc đó Mạnh Thanh nghĩ, nhà Phó tốt thế này, có thể ở đây cả đời để phục vụ tam thiếu gia mỗi ngày là đủ rồi.

Thi thoảng tam thiếu gia sẽ hỏi chuyện trong nhà, anh không hay nổi nóng, song về sau vì vụ sổ sách mà đã phạt một người và đuổi hai người liên quan, không để chú Cảnh xin hộ, song đến cùng anh vẫn là người tình cảm, lúc đuổi đi vẫn thưởng cho phí đi đường cùng một tháng tiền lương, chuyện đã qua rồi cũng không truy cứu nữa.

Vì nhà Phó bớt đi hai người, Mạnh Thanh bèn chạy đi xin chú Cảnh cho ở lại làm việc, chú Cảnh ngần ngừ, đi hỏi tam thiếu gia rồi về bảo hắn rằng, thiếu gia không thích có đông người phục vụ quá, cậu ấy còn định cho mấy người nữa nghỉ đây, đừng nhắc lại chuyện này nữa. Chú an ủi hắn, “Chừng nào cậu lành thì tôi bảo thiếu gia một tiếng, cậu ấy sẽ cho cậu tiền đi đường, nói chung là không việc gì phải ảo não cả.”

Mạnh Thanh thất vọng kinh khủng, dẫu biết mình không nên tham lam nhiều thứ, song hắn vẫn không kìm được nghĩ, có lẽ là vì mình không giỏi ăn nói như Đỗ Hâm nên tam thiếu gia mới không thích.

Kết quả sau khi thầy dạy chữ đi, tam thiếu gia quả thực báo cho mọi người rằng, ở đây yên tĩnh mà cũng bí bách, chỉ toàn mấy chuyện linh tinh, chẳng học được gì, muốn thành công e rất khó. Nếu mọi người muốn đi thì có thể đi làm công nhân nhà máy, muốn về quê hay muốn làm ăn nhỏ mà không có vốn thì cứ bảo tôi một tiếng, sẵn sàng viết giấy ghi nợ thì viết, không thì tôi tặng.

Thế là lại thêm hai người trẻ tuổi ra đi, một người về quê, một người bảo tam thiếu gia sẽ đến Thượng Hải bươn chải, tam thiếu gia nghe xong vui lắm, không ngớt lời khen cậu ta có chí lớn.

Lúc bấy giờ Mạnh Thanh mới biết chú Cảnh không lừa hắn, tam thiếu gia không cần nhiều người hầu hạ thật, lòng hắn trống rỗng như bị ai đó khoét mất một mảng. Chân hắn ngày một đỡ, hắn vừa mong chân lành, lại vừa sợ chân lành nhanh quá rồi sẽ không được ở lại nữa.

Ngặt nỗi, sợ cái gì thì cái đó tới. Có lẽ là vì hắn còn trẻ, ở đây lại được chăm lo tử tế nên chẳng mấy chốc vết thương đã lành hẳn. Hắn rất tự biết mình, chẳng đợi chú Cảnh mời đã lên đường rời đi luôn, hắn không muốn tiền của tam thiếu gia, cũng ngại huênh hoang khoác loác với tam thiếu gia rằng muốn xuất sắc hơn mọi người gì đó. Hắn đi nói lời từ biệt với chú Cảnh, chú Cảnh hỏi hắn có thật là đã lành rồi không? Hắn bảo lành thật rồi. Chú Cảnh bảo hắn chờ một tí, một lát sau đó chú quay về, đưa hắn ba nghìn tệ, bảo, “Từ rày đi xa rồi, nhớ phải cẩn thận chút.”

Vành mắt hắn đỏ hoe, chú Cảnh đặt chỗ tiền vào tay hắn, bảo, “Cầm đi, hãy nhớ ân tình của tiểu thiếu gia.”

Hắn chầm chậm siết chặt túi tiền trong tay, quỳ xuống toan dập đầu với chủ Cảnh thì lại bị ngăn lại, chú sống chết không chịu nhận lễ từ hắn, cuối cùng hắn cũng chẳng dập đầu được.

Sau khi rời khỏi nhà Phó, hắn đến mộ mẹ ở ngoại thành quỳ rất lâu, nói rất dài, sau đó hắn đến chùa Kê Minh. Tiết trời ấm áp, trong chùa đông người hành hương, hắn bỏ tiền mua hương đèn, lập một cái bài vị trường sinh cho tam gia, cung kính dập đầu.

Cái ngày rời Thượng Hải, nào ai ngờ được rằng hắn cũng có ngày xuất sắc hơn người. Hắn chưa bao giờ nghĩ tới chuyện ấy. Ngược lại hắn hay nghĩ, có thể báo đáp được tam thiếu gia là tốt lắm rồi, chỉ là quả tình không biết phải báo đáp ra sao. Dường như bao năm nay hắn chẳng tiến bộ thêm chút nào, hắn vẫn là tên cu li nghèo khổ què quặt ấy, đến cả người làm nhà Phó cũng không nỡ nhìn hắn.

Tam thiếu gia cách hắn xa quá, còn tấm bài vị trường sinh trong chùa Kê Minh ấy, chỉ cần hắn muốn là hắn có thể thường xuyên nhìn thấy, chạm vào.

Sau đó lúc hắn quay về xin bài vị trường sinh của tam thiếu gia, sư thầy trong chùa còn nhận ra hắn, trước kia hắn nghèo không thắp nổi đèn, giờ hắn đã thắp được rồi, đại sư lại càng bợ đỡ hắn, còn mời hắn vào nhà ăn cơm chay, khuyên hắn chép kinh.

Hắn thấy chữ mình xấu nên không dám chép, đại sư mới bảo hắn, miễn không chép sai là được, thế cũng là thành kính, cũng là công đức rồi.

Hắn ngẫm nghĩ một hồi, trước khi đi mượn hai quyển kinh, hạ quyết tâm sẽ chép kinh.

Hắn nghĩ, đây có lẽ là điều duy nhất hắn có thể làm cho tam thiếu gia. Kể từ đó trở đi hắn chưa bao giờ dừng chép kinh. Số kinh chép được nhiều quá, hắn xếp thành một chồng ngay ngắn rồi gửi lên chùa kèm cả tiền nhang đèn.

Bẵng đi ngần ấy năm, tam thiếu gia thành tam gia, rồi thành Ngọc Thanh, ấy là chuyện chẳng lường tới. Tuy ngoài mặt hắn không nói ra, nhưng trong lòng và cả trong mơ, hắn luôn nhớ nhung hai chữ ấy.

Lúc đi Ngọc Thanh trách hắn, giận hắn, hắn đều hiểu. Khi đó hắn đã nghĩ, lần này tam gia đi, chắc là không được gặp lại nữa rồi.

Song hắn kiên định tin rằng, miễn người kia được bình yên, hắn sẵn sàng không gặp lại.

Nhưng hắn vẫn phải biết tin tức về người đó thì mới an tâm được. Một ngày không có tin về Phó Ngọc Thanh, lòng hắn sẽ hoang mang thấp thỏm, những lúc như thế hắn chỉ biết chép kinh, gửi gắm hy vọng vào Phật tổ, cầu mong thần Phật trên trời có thể phù hộ cho tam gia của hắn, Ngọc Thanh của hắn.

Ý của Phật tổ hắn không dám đoán bừa, nhưng nếu chép kinh hiệu nghiệm thì có chép hàng ngàn hàng vạn lần hắn cũng nguyện ý.

Vầng trăng ấy tựa ánh sáng từ bi của Phật soi sáng Trung Hoa, soi sáng non sông điêu tàn, soi sáng vô số những mái nhà ly tán, chẳng biết trần đời có bao nhiêu người như hắn, kính mong thần Phật hãy rủ lòng khoan dung.

Kỳ thực hắn chẳng có mấy hoài bão. Hắn chép nhiều kinh thế, những mong tam gia có thể bình an vô sự mà thôi.

Còn có gặp được nữa hay không, thực ra không quan trọng.


Mẹo: Bạn có thể sử dụng trái, phải, A và D phím bàn phím để duyệt giữa các chương.