Xây Dựng Vương Tọa

Chương 96



Trời về khuya, phủ thành chủ.

“Anh có thấy không?”

Người hầu đang quét tước thu dọn chén bát trong nhà bếp thì thầm to nhỏ,

“Mới nãy thành chủ đại nhân và chủ tế đại nhân chẳng biết đã xảy ra chuyện gì mà mặt mũi đầu cổ đỏ bừng lên luôn.”

“Đúng rồi, tui chưa thấy sắc mặt thành chủ đại nhân như vậy bao giờ.”

Người hầu đang lau bàn lục lại trí nhớ trong giây lát, hắn cố gắng nghĩ ra một phép so sánh cho thích hợp.

“Giống như là giận sôi gan lên luôn ấy.”

Hắn thấp giọng nói,

“Tui chắc chắn là mình không nhìn nhầm đâu, thành chủ đại nhân giận đến mức mắt rưng rưng luôn.”

“Chẵng nhẽ hai vị đại nhân xảy ra tranh chấp gì ư? Tôi có nghe ngóng được một vài tin đồn không tốt lắm…”

“Hứ, anh đừng có nói xàm.”

Người hầu căng thẳng nhìn trái ngó phải, hắn thấy bốn phía không có ai mới thở phào một hơi, quét dọn sạch sẽ nhà ăn rồi nhanh chóng rời đi.

Phòng ngủ của chủ tế trên lầu ba của phủ thành chủ.

Trên ban công cửa sổ, một chậu hoa chỉ điệp đang đắm mình trong ánh trăng, nhẹ nhàng phấp phới.

Trầm Khinh Trạch cầm một bình nước tưới nhỏ, chậm rãi tưới nước cho chậu hoa, Nhan Túy thì cầm một bình trà thủy tinh lớn, ngửa cổ tưới vào miệng mình.

Ánh sáng của ngọn đèn dầu ấm áp dịu dàng chiếu sáng căn phòng, cửa sổ thủy tinh in bóng sườn mặt đang mỉm cười của Trầm Khinh Trạch.

“Rõ ràng là không ăn cay được mà còn ăn rõ nhiều.”

Nhan Túy ôm ấm trà: “ọc ọc ọc—”

Tiếng uống nước của đối phương quá lớn, Trầm Khinh Trạch cố gắng nén cười, quay đầu lại nhìn cậu:

“Thành chủ đại nhân, nói khoát là sẽ chịu thiệt đấy nhé.”

Hai má và khóe mắt của Nhan Túy vẫn còn sót lại màu sắc của ớt, cánh mũi và hai thái dương chảy đầy mồ hôi mịn.

Một ấm trà nguội được uống cạn sạch, cậu vẫn chưa nỡ bỏ nó xuống, đầu lưỡi liếm qua đôi môi đỏ au, ánh mắt âm u hướng về phía Trầm Khinh Trạch.

“Sao anh chẳng bị gì hết vậy?”

Thành chủ đại nhân ôm ấm trà trong tay tỏ vẻ uất ức.

Lâu lắm không được ăn đến đã ghiền như vậy, hôm khác thử cua hầm cay và tôm đất cay mới được.

Chiếc đồng hồ dây cót trên bàn điểm qua 9 giờ, Trầm Khinh Trạch vẫn ngồi trên bàn viết soàn soạt cái gì đó.

Nhan Túy rửa mặt chải đầu xong, khoác lên người bộ đồ ngủ bằng lụa màu đen, chân trần bước trên thảm trải sàn bằng nhung, nhẹ nhàng không tiếng động tiến đến sau lưng y, nghiêng người ôm lấy thắt lưng y từ phía sau.

Nhan Túy vẫn còn chưa khôi phục lại được từ lực sát thương của vị cay ấy, giọng mũi có hơi khàn đặc:

“Anh còn đang viết gì nữa vậy? Nửa tháng không gặp, chẳng dễ gì mới quay về được, anh không chơi với tôi thì thôi đi, còn cho tôi ăn cái gì kỳ gần chết!”

“Chủ tế đại nhân, sao anh hư vậy hả? Hửm?”

Trầm Khinh Trạch chậm rãi đóng quyển sách kế hoạch đang soạn lại, đôi mắt tinh tường của Nhan Túy lướt qua bìa sách — kế hoạch nâng cấp mỹ thực để nâng cấp chỉ số hạnh phúc của thành phố.

Y với tay cầm lấy một cái hộp tinh xảo từ phía bên phải của mình, mở hộp ra, bên trong chứa đầy những viên đá vụn, một cái ly thủy tinh có nắp đậy được đặt bên trong khối nước đá, chứa đầy nửa những viên sữa trắng được cô đặc lại.

Trong chốc lát, Nhan Túy bị hấp dẫn sự chú ý:

“Đây lại là gì nữa.”

Trầm Khinh Trạch mở nắp ly ra, lấy một cái thìa kim loại đến, nhẹ nhàng cạo một ít vụn đá màu trắng sữa ấy rồi đưa đến bên miệng của đối phương:

“Há miệng ra.”

Nhan Túy nghi ngờ rằng thằng cha này lại đang trêu mình, thế nhưng cậu vẫn thấy chết không sờn mà ngoan ngoãn há miệng ăn vào.

Một mùi hương ngọt ngào mát lạnh sảng khoái chạm vào vị giác, mùi thơm sữa tràn đầy, ngọt mà không ngấy, vào miệng liền tan.

Trước mắt Nhan Túy đột nhiên sáng ngời:

“Ngon quá!”

“Đây là kem sữa.”

Trầm Khinh Trạch biết được Nhan Túy sắp về nên cố tình cho người của nhà bếp làm ra, nguyên liệu là sữa bò, lòng đỏ trứng gà và đường trắng, sau khi làm xong thì cho vào hầm băng đông lạnh mấy tiếng, mới nãy mới cho người lấy ra.

Nhan Túy ngọt đến híp cả mắt, cậu gác cằm, nhẹ nhàng cọ lên bờ vai của y:

“Muốn ăn nữa.”

Trầm Khinh Trạch nhướng mày, lắc lắc cái thìa bên miệng cậu, không đút cho, nghiêm túc hỏi:

“Tôi còn hư nữa không?”

Nhan Túy: “…”

Chủ tế của cậu thay đổi rồi, rõ ràng lúc trước không phải là như thế này!

※ ※ ※

Sau khi đánh chiếm được thành Nam Tế và thành Bắc Tế, Trầm Khinh Trạch tạm thời vứt thành Minh Châu chim sợ cành cong kia qua một bên, không quan tâm đến nó nữa.

Thành Nam Tế tổn thất nặng nề trong làn sóng nô thú, hiện tại vẫn chưa hồi phục, còn về thành Bắc Tế, hỗn loạn một phen trước nguy cơ tài chính, cho đến mới đây mới ổn định lại, hai ngôi thành chủ này cần một kỳ bảo dưỡng nghỉ ngơi lấy lại sức gấp.

Trầm Khinh Trạch không bắt tay vào việc cải tổ thành phố ngay lập tức mà lựa chọn sửa đường đầu tiên.

Y phải lót một con đường vận chuyển hàng hóa nối gần ba ngôi thành chủ lại với nhau — đường rày xe ngựa cao tốc.

Sau mấy ngày thảo luận cùng với các thợ chuyên của bộ đường xá, một loại thiết kế đường sắt nguyên thủy đã được hình thành.

Ban đầu, những phương án mà mọi người trình lên cho Trầm Khinh Trạch xem xét là thi công một con đường rày bằng gỗ, bên dưới đặt đường phụ trợ bằng gỗ để chống đỡ, bên trên thì dùng ván gỗ để trải lên, phí tổn khá thấp.

Thế nhưng điểm yếu của nó rất rõ ràng, vật liệu bằng gỗ rất dễ bị mài mòn, lâu ngày sẽ phải thay cái khác, hơn nữa, một khi trọng lượng hàng hóa cần chuyển quá nặng thì chất gỗ sẽ dễ bị đứt gãy.

Trầm Khinh Trạch sau khi suy nghĩ tường tận thì quyết định trực tiếp sử dụng đường ray bằng sắt của kiếp trước.

Từ sau khi xưởng rèn được nâng cấp toàn bộ trang thiết bị lên, dựng lò rèn sắt, nồi rèn thép, gắn thêm máy cấp gió chạy bằng sức nước làm việc không nghỉ ngày đêm 24 tiếng đồng hồ, trước khi máy hơi nước ra đời thì hiệu suất rèn sắt của Trầm Khinh Trạch đã đạt được đến đỉnh của kỹ thuật hiện tại.

Khoảng cách giữa ba ngôi thành với nhau cũng không tính là quá xa xôi, dùng sắt thép đặt thành một con đường sắt tốc hành là việc hoàn toàn khả thi.

Ý nghĩ về đường ray sắt cũng giống với đường ray bằng gỗ, hai đường ray bằng thép được cố định trên đường phụ trợ bằng gỗ, bên dưới đổ đá, mắc thì có hơi mắc một chút, thế nhưng thắng được ở chỗ là chịu được áp lực mài mòn, có thể chịu được trọng lượng lớn hơn, cũng có thể chịu được thời tiết xấu.

Việc sửa chữa bản thiết kế cho phương án là do tổ thiết kế và xây dựng giao thông của thành Uyên Lưu phái những thợ công với kinh nghiệm dày dặn, cùng với nhóm người khuân vác và các công nhân được tuyển trực tiếp từ ba ngôi thành về.

Ba đội nhóm xây đường trùng trùng điệp điệp, phân thành ba thành đồng thời cùng nhau bắt đầu, dọc theo những tuyến đường đã được vẽ, chậm rãi tụ lại về phía trung tâm.

Tiết trời cuối hạ đương vào lúc nóng bức khó chịu, vừa mới có mưa rào sấm chớp, bầu không khí tràn ngập sự oi bức dính nhớp.

Con đường thông đến thành Bắc Tế vốn là một con đường đất phù sa, bị nước mưa xối xuống đến mức vô cùng lầy, vừa ướt vừa trơn.

Những người dân được tuyển từ thành Bắc Tế đến đang đẩy những chiếc xe cút kít, khó khăn qua lại giữa xưởng gỗ và con đường đang thi công trong thành, họ giúp đỡ vận chuyển những thanh gỗ để lót đường.

Những người dân này đa số là nông dân lưu vong của thành Bắc Tế cùng với người dân đã phá sản trong trận nguy cơ tài chính.

Cách đối đãi của Trầm Khinh Trạch với họ cũng giống như lần thu nhận những người dân chạy nạn lúc trước vậy, mỗi ngày đều phân phát miễn phí một bát cháo, bảo đảm cho họ sẽ không chết đói đầu đường, thế nhưng chỉ có mỗi một bát cháo thì chắc chắn sẽ không đủ no, số lương thực còn lại, bắt buộc phải dựa vào sức lao động mà đổi lấy.

Lấy công việc để cứu tế là phương pháp tốt nhất.

Một mặt là tận dụng những người lao động dư thừa để xây dựng nền móng một cách nhanh chóng, mặt còn lại là những người dân nghèo khổ này có được thu nhập rồi thì cho dù có ít ỏi đi chăng nữa thì cũng có thể đem lại cho họ hy vọng về một cuộc sống được ổn định, không đến mức phải bí quá hóa liều mà làm loạn trị an của xã hội.

Trên con đường đất phù sa, người dân tới lui nối liền không ngớt, đa số họ trên người chỉ mặc một chiếc quần cộc bằng da bẩn thỉu che lấy thân, toàn bộ gấu quần đều là màu đất bùn, thỉnh thoảng xe cút kít sẽ bị mắc lại trong hố bùn, phải tốn rất nhiều sức mới có thể kéo được nó ra.

Thế nhưng họ rất ít khi có lời oán thán, chỉ là đẩy từng chiếc xe chất những thanh ngỗ ngay ngắn, im lặng đội màn mưa mà đi.

Đối với những người dân nghèo này mà nói, bọn họ một chữ bẻ đôi không biết, không có năng lực giống như người nhà tần Gia bán thuốc kia mà dứt khoát chuyển nhà chạy đến nương nhờ thành Uyên Lưu, cuộc sống trong thành Bắc Tế khó khăn, có thể có được một công việc ăn được no bụng đã là ân huệ từ trên trời rơi xuống rồi, thế nên họ không dám cầu xin được xa xỉ hơn thế.

Công cuộc xây dựng đường sắt lần này, thù lao mà nhà thầu đưa ra đã cao đến mức khiến bọn họ cảm thấy khó mà tin được, hơn nữa còn là trả trong ngày, tuyệt đối không thiếu nợ.

Trong lúc tán chuyện với những người thợ với nhau thì biết được, loại thù lao tiêu chuẩn này thế mà lại thuộc tầng thấp trong thành Uyên Lưu, cứ lôi đại một vị nông dân trong đó ra cũng có khả năng giàu hơn bọn họ nhiều.

Những người công nhân ấy vừa ngưỡng mộ, lại vừa ghen tị, mỗi lúc tan tầm nhận thù lao, họ đều có thể thỉnh thoảng nghe thấy có người cảm thán, nếu thành Bắc Tế sát nhập với thành Uyên Lưu sớm thì đã tốt quá rồi.

Chỉ cần có thể tiếp tục sống, sống tốt hơn thì ai quan tâm đến việc quý tộc nào đang ngồi trong phủ thành chủ nữa chứ?

So với con đường đất lầy lội khó đi thì con đường xi măng mới xây nối liền giữa thành Uyên Lưu và thành Nam Tế nhất thời có tính ưu thế hơn hẳn.

Những công nhân được tuyển từ thành Nam Tế đến nhẹ nhàng hơn thành Bắc Tế nhiều trong việc vận chuyển những thanh gỗ, họ đa số mặc quần áo ngắn bằng vải bố có giá thành thấp, đẩy chiếc xe cút kít nhỏ chạy như bay trên đường.

Lực ma sát của xe cút kít trên đường xi măng nhỏ hơn nhiều so với đường đất, con đường bằng phẳng và thẳng tắp, cho dù có mưa xuống cũng không trơn trượt, cũng sẽ chẳng có tình trạng đang đẩy mà lại bị lọt xuống hố lầy.

Về tốc độ xây dựng đường rày, thành Bắc Tế và thành Nam Tế so với nhau, một bên là trời một bên là đất, lúc thành Nam Tế đã hoàn thành được một nửa con đường rồi thì thành Bắc Tế khó khăn lắm mới chỉ san phẳng được con đường đất.

So ra rồi càng khiến người khác tức chết hơn, thế là đối tượng ghen tị của các công nhân thành Bắc Tế hệt như tăng lên vậy.

Ba đại đội xây đường thi công cùng một lúc, toàn bộ đường ray thép đều do công nhân của thành Uyên Lưu hoàn thành việc lắp đặt, trải qua hai tháng thi công, ba đội thi công lớn từ ba hướng cuối cùng cũng trông thấy được bóng dáng của nhau, cùng nhau hợp lực.

Sau khi điều chỉnh tới lui mối nối giữa ba con đường với nhau, ráp nối hoàn tất thì đoàn tàu chạy bằng sức ngựa kéo đầu tiên của đất bắc chính thức được khởi hành!

Sáu con ngựa to lớn, phân thành hai bên trái phải của đường ray, kéo một xe rương hàng hóa bằng gỗ bọc thép dài 8 mét, chậm rãi chạy thử trên con đường ray bằng sắt.

Trong xe chất đầy lương thực đến từ khu sản xuất lương thực của thành Uyên Lưu cùng với những sản phẩm khác.

Có đường ray ngựa kéo này rồi, những vật phẩm từng phải lôi kéo đi về đến ba bận hiện tại chỉ cần một chuyến là đủ, tốc độ còn nhanh hơn, những sản phẩm xuất hành vào sáng sớm, chưa đến một ngày là đã có thể đến được hai thành kia, hiệu suất vận tải được nâng cao chót vót.

Vừa không phải lo lắng về vấn đề bánh xe bị sập hố, cũng không cần phải cho nhiều người đi theo xe hàng.

Lúc xe hàng vận chuyển thử nghiệm đầu tiên ấy xuất hiện trước cổng thành Bắc Tế, toàn bộ người dân làm công và công nhân trong đơn vị trực đều sôi trào!

Tỉ lệ thấp của giá thành vận chuyển có nghĩa là hàng hóa nhập vào trên chợ sẽ càng ngày càng nhiều, những sản phẩm mà họ mua bán trao đổi được với thành Uyên Lưu sẽ càng trở nên rẻ hơn nữa.

Tiếng hoan hô của mọi người tựa như làn sóng, báo hiệu khắp nơi, cảm giác thành tựu khi được tham gia vào một công trình lớn đột nhiên dâng trào!

“Có trông thấy con đường rày sắt xinh đẹp tuyệt vời đó chưa?”

Trong suốt cả một khoảng thời gian dài, đây chính là chuyện mà người dân thành Bắc Tế thường nhắc đến nhất.

“Là tôi xây đó!”

※ ※ ※

Trong khoảng thời gian 2 tháng xây dựng con đường rày xe ngựa này, thành Uyên Lưu đã chuyển từ giữa hè sang thu.

Vào giờ này năm trước, thành Uyên Lưu vẫn còn là một ngôi thành quê mùa với tường thành thấp chũng, khốn khổ chống đỡ với sự xâm chiếm cướp bóc của bọn nhân thú chim gáy, khắp nơi đều là thi thể, phóng hết tầm mắt đều là cảnh tiêu điều.

Còn hiện tại thì mọi người lại đang vui mừng bận rộn giữa đồng ruộng, cắt từng bó lúc vàng tươi, hạt lúa chất đầy kho thóc.

Lại đến một mùa thu hoạch cuối thu nữa, theo phong tục, trong thành nên tổ chức một buổi lễ linh đình, do đích thân chủ tế đại nhân chủ trì, để ăn mừng mùa thu hoạch lớn.

Đương là lúc bách tính nhân dân của thành Uyên Lưu kỳ vọng vào buổi lễ thu hoạch, thành chủ mới lệnh cho người yên lặng dán lên một tờ thông báo và thông cáo cho báo chí—

Lễ thu hoạch năm nay, trong thành sẽ tổ chức một buổi lễ mừng ẩm thực đặc sắc kéo dài trong một tuần, kính mời du khách khắp nơi cùng với thương nhân các nước đến đây thưởng thức.

Cùng lúc đó, phía nam cách đây vài cây số của thành Uyên Lưu có một đội xe ngựa được trang bị tinh nhuệ, đang yên lặng đi trên đường lớn ngoại ô đến.

Một trăm hộ vệ với võ trang toàn thân, bao quanh một chiếc xe ngựa bằng vàng xa xỉ.

Người trong xe có một mái tóc vàng óng, một đôi tai nhọn vểnh lên ẩn sau mái tóc mềm mại, không giống với nhân thú địa tinh, hắn có dáng người cao gầy, cùng một khuôn mặt tuấn tú, nước da cũng trắng hơn.

Người đàn ông đó không phải người thú, cũng không phải là con người, mà hắn đến từ một trong tam đại đế quốc — tộc người tiên thuộc liên minh Thương hội Bích Không ở phía nam.

Một tay hắn vừa cầm một cặp kính dát vàng tinh xảo, vừa đọc mật báo được đưa đến từ chi nhánh của Thương hội Bích Không tại thành Minh Châu.

“Thành Uyên Lưu à…thú vị đây.”


Mẹo: Bạn có thể sử dụng trái, phải, A và D phím bàn phím để duyệt giữa các chương.