Cuộc Sống Của Hai Người Ở Rừng Rậm

Chương 62: 62: Mật Ong



Các bạn đang đọc truyện Chương 62: 62: Mật Ong miễn phí tại medoctruyenchu.com. Hãy tham gia Group của truyện mới, truyện full, Truyện chữ Miễn Phí Hằng Ngày trên Facebook nhé mọi người ơi, để cập nhật truyện nhanh nhất!!

****************************​

Đến giữa tháng bảy, cuối cùng thì họ cũng đã có thể đi lấy cửa sổ về.
Trong hai tuần qua, Hà Điền và Dịch Huyền đã hoàn thành rất nhiều công việc: Cắt thật nhiều cỏ khô, dựng một cái kho, làm vài hũ mứt, sửa sang nhà vệ sinh, phơi khô hai hộp lá dâu tằm lớn, cũng làm xà phòng đủ dùng cho cả một năm, xử lý số da lông thu được từ năm ngoái, còn nung được một hầm đồ gốm.
Thoạt nhìn thì làm được nhiều việc đấy, nhưng mà nghĩ kỹ lại thì vẫn còn rất nhiều việc cần phải làm.
Gần một nhánh sông gần nhà họ có một khu rừng, ở đó có anh đào, hạnh và mận, nếu còn không đi hái chúng về thì sẽ sớm bị thú nhỏ ăn hết mất.
Ngoài ra, con sông gần đó giờ hẳn là đã tập trung rất nhiều cá hồi di cư.

Đi đến nhánh hạ lưu của nó là có thể bắt gặp cá hồi bạc, và nếu đi từ đó vào rừng nhiệt đới, đi dần lên núi, sẽ có thể bắt gặp được cá hồi hồng ở các thác nước và suối trên núi.
Tất nhiên, những nơi này có thể sẽ xuất hiện gấu, nhưng so với các thung lũng ở suối nước nóng, xác suất có gấu nhỏ hơn nhiều, rất đáng để họ mạo hiểm.
Một con cá hồi có thể nặng tới mười lăm ký, nếu bắt được thêm cá hồi làm thức ăn dự trữ thì mùa đông năm nay họ sẽ không cần phải đục băng, kéo lưới như năm ngoái nữa.
Năm ngoái, Hà Điền đã không thể bắt được cá hồi.
Để đi bộ đến được nơi có cá hồi thì cần phải mất một ngày hành trình, và nếu trong vòng một ngày mà bắt đủ số cá họ cần thì cũng phải mất ít nhất ba ngày cả đi lẫn về.
Vào mùa hè, với thời gian ba ngày, cá sẽ bị ươn thối hết.

Vì vậy, cá hồi sau khi đánh bắt phải mổ lấy nội tạng, cắt thành phi lê và xông khói ngay tại chỗ càng sớm càng tốt để mang về.

Nhưng việc xông cá hồi hoặc bất kỳ thứ gì ở bên ngoài đều rất nguy hiểm.
Mùi khói sẽ thu hút những động vật săn mồi tìm đến, sẽ vô cùng nguy hiểm nếu như không có bạn đồng hành cùng quan sát và giúp đỡ.
Nhưng bây giờ thì đã khác.
Hà Điền tự tin lấy bản đồ ra và đưa cho Dịch Huyền xem, sau khi lên kế hoạch cho lộ trình, họ định lấy cửa sổ về xong thì sẽ lên đường đi bắt cá ngay.
Một ngày trước khi đi lấy cửa sổ, Hà Điền và Dịch Huyền mang theo sự mong đợi và hồi hộp mở cửa lò nung ra.
Kéo tấm sắt nơi đưa củi vào ra, những viên gạch bịt kín ở đó vẫn còn hơi âm ấm khi chạm vào.
Lấy từng viên một xuống, ánh sáng dần dần tràn vào trong lò nung, trái tim hai người cũng đập càng lúc càng kịch liệt.

“Nhìn thấy không? Không thấy hả? Vậy có cần mở cái lỗ nhỏ trên nóc lò ra luôn không?” Dịch Huyền hiển nhiên đang rất sốt ruột.
“Làm đi!”
Dịch Huyền trèo lên nóc lò lấy gạch ra khỏi lỗ, lò lại sáng hơn, Hà Điền lấy gạch xuống cũng càng lúc càng nhanh, đợi anh trèo xuống thì cả hai lần lượt bước vào.
Dịch Huyền cẩn thận cầm một cái chén lên, trước tiên là cầm lên xem xét, sau đó mới dám dùng ngón tay búng nhẹ lên mép chén, chén gốm phát ra âm thanh rất vui tai, vẫn còn nguyên vẹn.
“Haha! Nung được rồi! Thành công rồi!” Anh xoay người lại ôm lấy Hà Điền.
“Cần phải chuyển ra ngoài càng sớm càng tốt!” Hà Điền cũng rất hào hứng, đây là mẻ gốm đầu tiên cô phụ trách nung đó!
Hai người lần lượt vào trong lò, lấy đồ gốm đã nung ra đặt trên khoảng đất trống trước lò nung, Lúa Mì cũng đi theo xem náo nhiệt, nó lại gần một cái vại nước, ngửi thử, cái mũi dính lọ đen thui.
Củi trong lò đều đã thành tro, sau khi dọn đồ gốm ra thì bàn tay ai nấy cũng đều đen sì, tuy chật vật nhưng vẫn luôn một mực nở nụ cười.
Hai người cười ngây ngô nhìn đống đồ gốm chất đầy một chỗ, hết sờ cái này rồi lại sờ cái kia, trầm trồ cả buổi.
Cuối cùng cũng bình tĩnh lại sau cơn hưng phấn của mình, Hà Điền kêu Dịch Huyền đi lấy một ít cỏ khô đến.
Cô dạy anh lần lượt rút cỏ khô ra, xoắn hai sợi lại thành sợi dây cỏ to bằng ngón tay.
Đầu tiên là đặt một nắm cỏ vào giữa hai cái chén gốm, xếp nhiều cái tùy theo kích thước thành một chồng, dùng dây cỏ này cột lại rồi nhấc lên.

Sau khi cột dây, việc vận chuyển và cầm nắm sẽ dễ dàng hơn rất nhiều, đồng thời nó cũng có thể ngăn chúng bị đóng băng và nứt bể trong mùa đông khắc nghiệt, cũng như bảo vệ chúng không dễ bị đứt khi mang đi.
Đặt đồ gốm được cột bằng dây cỏ vào một cái sọt, từ từ vận chuyển đến kho đồ gốm bằng một chiếc xe đẩy nhỏ, cẩn thận đặt lên giá gỗ.
Chum sành, bình đất nung, đối với loại đồ gốm có kích cỡ lớn này, mỗi chiếc sẽ được cột hai nút chéo ở bên ngoài bình bằng dây cỏ rồi mới vận chuyển.
Những món cuối cùng mà họ mang về nhà là chén dĩa và đồ dùng cần sử dụng.
Dịch Huyền vận chuyển tất cả những thứ này đến ven suối rửa sạch, sau đó vận chuyển trở lại nhà gỗ, đặt ở trên bàn ngắm nghía.
Hà Điền rất thích tách hoa sen do Dịch Huyền làm, cô dùng khăn vải lau khô nó, sau đó cho vài quả việt quất khô vào, đổ nước đun sôi để nguội lên trên rồi cho một muỗng mật ong vào khuấy đều.
Cô bưng tách cười hì hì đi đến trước bàn, ngồi xuống uống một hớp: “Dùng tách mới, ngay cả nước cũng ngon hơn hẳn.”
Ngoài những tác phẩm thành công này, họ còn nung một số chuông gió.

Mỗi chiếc chuông gió đều trông giống như một chiếc ly nhỏ bị đảo ngược, bởi vì hầu hết chúng đều được tạo ra bởi sự biến đổi của những chiếc ly thất bại của Dịch Huyền.

Để làm chuông gió, họ còn nung một số hạt gốm.
Dưới đáy ly gốm có một cái lỗ để làm thành chuông gió, lấy một sợi dây rơm, đầu tiên xỏ một hạt gốm vào dây và thắt nút mỗi bên để cố định hạt, sau đó luồn vào lỗ của chuông gió để treo lên hàng rào, hoặc dưới mái hiên.

Buộc một khối gỗ nhỏ vào đuôi sợi dây rơm, khi có gió thổi, khối gỗ sẽ đung đưa qua lại, hạt gốm cũng sẽ va vào vách chuông gió khiến nó không ngừng kêu leng keng, doạ cho lũ chim và đám sóc không dám chạy đến, có thể dùng nó để bảo vệ vườn rau.
Nhưng mà đêm đến, chỉ với một chút gió nhẹ thôi, chuông gió cũng sẽ vang lên không ngừng.
Ngày hôm sau trên đường chèo thuyền đi lấy cửa sổ, Hà Điền cứ có cảm giác dường như tiếng chuông gió vẫn còn đang văng vẳng bên tai.

Đến nhà bác thợ mộc già, ông ấy đang đóng thuyền trong sân.

Gỗ bạch dương mà họ nhìn thấy lần trước giờ đã hoàn toàn trở thành một cái khung rỗng, đã có thể nhìn ra hình dạng của chiếc thuyền.

Người thợ mộc già ghép các mảnh ván vào khung thuyền rỗng đó, đẩy các thân cây tròn ra ngoài và thay thế lần lượt bằng các tấm ván dài hơn.

Mặt cắt của thân cây dần dần chuyển từ hình tròn khuyết thành hình khum, chiếc thuyền về cơ bản đã hoàn thành.
Hà Điền và Dịch Huyền đứng trong sân nhìn một lúc, người thợ mộc già sửa lại một tấm ván của con thuyền xong rồi mới dẫn họ đi nhìn cửa sổ mới đóng.
Cửa sổ bằng gỗ mới được quét một lớp dầu bóng, nó được chia thành mười hai ô như trước và được lắp kính.
Sau khi thanh toán tiền, Hà Điền sờ túi tiền xẹp lép của mình, cảm thấy thật sầu não.
Mong rằng từ nay đến mùa xuân năm sau sẽ không có chuyện gì xảy ra nữa.

Số tiền còn lại thật sự không còn nhiều nữa.
Hà Điền cũng không có lập tức khiêng cửa sổ gỗ đi, cô và Dịch Huyền đi đến nhà của Tam Tam.
Ngoài cổng nhà của Tam Tam có treo một chiếc chuông đồng, Hà Điền nhìn thấy chiếc chuông này thì quay sang nhìn Dịch Huyền cười.
Dịch Huyền cũng cười, anh nói: “Đêm nay sẽ cất chuông gió đi.” Anh đưa tay giật sợi dây gai đang treo trên chiếc chuông đồng, tiếng khung cửi ngoài sân ngừng lại, một lúc sau, Tam Tam ra mở cửa.
Lúc mở cửa, trên môi cô ấy vẫn luôn nở nụ cười, khi nhìn thấy Dịch Huyền, nụ cười của cô ấy trở nên bàng hoàng, nhìn chằm chằm vào anh ngây người trong vài giây rồi mới phục hồi tinh thần lại, bảo họ vào.

“Hai người đến đây để giao cây lanh sao? Thu hoạch sớm như vậy? Hay là lại muốn mua thêm một ít vải?” Cô ấy vén rèm cửa lên, dẫn bọn họ vào một gian phòng phía Đông, mời họ ngồi xuống chiếc bàn nhỏ rồi rót trà cho họ.
Căn phòng này rõ ràng là nơi mà những mảnh vải của Tam Tam được làm ra.

Căn phòng rất rộng, có cửa sổ lớn ở hai bên, bên dưới cửa sổ phía Nam là khung dệt của cô ấy, còn dưới cửa sổ bên kia là một chiếc giường mây và một chiếc bàn gỗ nhỏ, trên đó đặt nhiều dụng cụ và một cái khay đan có đựng chỉ lanh.
Hà Điền vốn rất tò mò về cách dệt vải lanh, cô đến đây với sự háo hức, nhưng bây giờ, khi nhìn thấy Tam Tam nhìn Dịch Huyền không rời mắt, hết bưng trà cho anh, lại hỏi anh có muốn ăn hạt dưa hay quả óc chó hay không, rồi lại còn nói trong bếp có quả đào vừa mới hái hôm qua, vô cùng ân cần nhiệt tình, cô không còn hứng thú đi xem quy trình dệt sợi lanh nữa.
Nhìn bộ dạng phấn khích và đỏ mặt của Tam Tam, Hà Điền lại càng không vui.
Có lẽ vì phải dệt vải lanh ở nhà cả ngày nên da của Tam Tam không hơi nâu do nắng như hầu hết các cô gái miền núi khác mà rất trắng.

Nếu nhìn kỹ, hình như cô ấy còn vẽ gì đó lên lông mày.

Nhìn bên dưới ánh nắng mặt trời, lông mày có một màu xanh sẫm óng ánh như lông quạ, khiến đôi mắt cô ấy trông sáng hơn, và đôi môi thì càng thêm đỏ mọng.
Cũng may là phản ứng của Dịch Huyền rất lạnh lùng, mỗi lần Tam Tam hỏi anh có muốn ăn gì không, anh sẽ lập tức quay đầu lại nhìn Hà Điền: “Muốn ăn không?”
Ngay sau đó Tam Tam cũng biết ý mà chuyển sự chú ý sang Hà Điền.
Hà Điền đè nén chút không hài lòng trong lòng, lấy từ trong túi ra hai bó tơ đặt trên bàn: “Cây lanh còn chưa trồng được, nhưng cô có nhận cái này không?”
Đó là tơ quay ra từ kén mà họ đem về khi hái lá dâu, quay đi quay lại nhiều lần, cuối cùng chỉ được một ít như thế này.
Kỹ thuật ươm tơ của Hà Điền đương nhiên không được tốt cho lắm, nhưng độ sáng bóng và cảm giác mềm mại chỉ có ở tơ lụa vẫn rất hấp dẫn người khác.
Tam Tam cẩn thận sờ hai bó tơ rồi hỏi Hà Điền: “Là tơ tằm? Cô tự làm sao? Trên núi có cây dâu ư? Là tằm cô nuôi hay là tằm hoang vậy?”
Nếu không phải vì đột ngột chi một khoản tiền lớn để làm cửa sổ và thu nhập từ việc bán trứng cá muối quá thấp, Hà Điền cũng không nghĩ đến việc quay tơ để bán.

Tất nhiên, cô sẽ không nói cho Tam Tam biết cây dâu và con tằm ở đâu.

Nếu không, sao cô có thể kiếm tiền được nữa?
Tam Tam cũng nhanh chóng bình tĩnh lại: “Đúng là thứ tốt, nhưng mà quá ít.

Trước đây tôi chưa từng dệt lụa, nó đối với tôi vô dụng.”
Dịch Huyền mỉm cười nói: “Dệt lụa chắc chắn là không đủ, nhưng nếu nó được kết hợp với sợi lanh thì sao?” Anh cũng phổ cập cho Tam Tam về những ưu điểm của vải pha lẫn giữa lụa và lanh, cũng khuyến khích cô ấy: “Những người thu gom lông chồn có thể sẽ rất thích loại vải này đấy.”
Tam Tam vuốt ve sợi tơ, trong lòng cũng rục rịch.

Vải lanh dù có tốt đến đâu đi chăng nữa thì trong mắt những người giàu có, nó vẫn khó có thể trở nên thanh lịch, nhưng tơ lụa thì lại khác.

Ngay cả các thành phố lớn ở phía Nam cũng không hình thành nghề dệt lụa quy mô lớn, nghe nói công nghệ sản xuất tơ tằm và trứng tằm do một số gia tộc lớn độc quyền.

Còn mấy loại lụa, sa tanh gấm dày, giá cả của nó tương đương với lông chồn loại lớn.
Ánh mắt cô ấy từ từ sáng lên: “Tôi sẽ mua tơ của các anh, nói giá đi.”

Dịch Huyền lại cười: “Không.

Chúng tôi không bán nó.”
Tam Tam nhíu mày: “Vậy…”
“Chúng ta hợp tác.

Chúng tôi cung cấp tơ, cô dệt vải, sau khi bán vải được rồi, sẽ chia phần trăm.”
Sau khi bàn bạc một lúc, Tam Tam đồng ý hợp tác, nhưng cô ấy cũng không chắc mình có thể dệt được loại vải pha tơ lụa và lanh hay không, vì vậy cô ấy phải làm thử trước.
Bên phía Hà Điền cũng không biết liệu họ có thể tiếp tục lấy được tơ hay không.

Tuy đã từng nuôi tằm, nhưng cô cũng chỉ là nuôi cho vui khi còn nhỏ, ai biết được nuôi chuyên nghiệp có thành công hay không, còn phải xem sao đã.
Cuối cùng, lần đầu tiên hợp tác, Tam Tam bỏ ra một số tiền nhỏ mua hai bó tơ, nếu thí nghiệm thành công thì đợi đến khi tấm vải bán được, nếu bán chạy thì sẽ chia một phần tư số tiền cho Hà Điền và Dịch Huyền.
Quay trở lại nhà bác thợ mộc lấy cửa sổ và lên thuyền, Hà Điền sờ vào túi tiền vẫn chưa phồng lên, thở dài cùng Dịch Huyền chèo thuyền về nhà.
Cửa sổ mới là thứ tuyệt đối không được làm hư, nó có thể sẽ bị vỡ, lại rất nặng, lỡ xui rơi từ trên thuyền xuống sông thì rất khó tìm lại được, nên lần này Hà Điền và Dịch Huyền không dừng lại cắt cỏ, giữa chừng họ chỉ dừng lại nghỉ ngơi một lúc, ăn một chút lương khô, rồi lại vội vàng về nhà.
Khi về đến nhà, Lúa Mì ở nhà giữ nhà cũng đang lo lắng chờ đợi, không hiểu sao hôm nay anh chị chủ lại không mang theo nó ra ngoài.

Đương nhiên, cái đứa to xác kia cũng không được đi, điều này làm nó cảm thấy an ủi một chút.
Nó nghe thấy tiếng Hà Điền và Dịch Huyền, liền từ mái hiên lao xuống núi, mông lắc như gắn động cơ điện, kêu ư ử theo chân họ từ bờ sông về đến tận nhà.
Giữa chừng đặt cửa sổ xuống để nghỉ ngơi, cả hai đều rất thận trọng, vì sợ bước cuối cùng này kiếm củi ba năm thiêu một giờ.
Đem cửa sổ đặt xuống hiên nhà, lau mồ hôi, hai người nhanh chóng tháo tấm ván che trên cửa sổ xuống, lắp cửa sổ mới vào.
Gắn cửa sổ xong thì cũng đã hơn sáu giờ chiều.
Hà Điền và Dịch Huyền ăn một ít lương khô cho bữa chiều, đeo dụng cụ lên lưng rồi lại đi ra ngoài.

Lần này, Lúa Mì lại bị bỏ ở nhà.
Nó gừ gừ tỏ ý bất mãn, nhưng vẫn ngoan ngoãn không đi theo.
Lần này, Hà Điền và Dịch Huyền đi lấy mật ong, không thể mang nó theo được.
Gần nhà có hai tổ ong, tổ gần hơn nằm ở bên cạnh rừng dâu tằm mọc um tùm.

Ở đó có một cây thông lớn đã đổ lâu ngày, thân cây có một đoạn bị rỗng, ong làm tổ bên trong đó.
Chèo thuyền đến bìa rừng, Hà Điền và Dịch Huyền bẻ một số cây liễu đang rủ bên bờ, bện chúng thành một chiếc vỉ tròn đơn giản, rồi cột bốn cành liễu vào vỉ để mang đi.
Lúc họ đến được nơi có tổ ong thì đã hơn bảy giờ, nhưng vẫn còn rất nhiều ong bay vo ve ra vào tổ.
Họ nhúm một đống lửa bằng đá, dựng một giàn thiêu và nhóm lửa lên, nhưng củi họ dùng đều được nhặt một cách ngẫu nhiên, nửa khô nửa ướt, cháy được một lúc thì tắt ngúm, bốc khói dày đặc.
Đặt chiếc vỉ làm bằng cành dương liễu xuống đất, dùng cành cây lấy một ít củi hun khói trong đống lửa đặt lên vỉ, sau đó mặc bộ quần áo chuyên dụng để lấy mật vào – là một tấm vải xô lớn được cắt lỗ tròn ở phần nách.
Đầu tiên trùm tấm vải lên nón, sau đó đeo kính tre và mặt nạ phòng độc vào, đội nón lên, kéo tấm vải phủ xuống, giang hai tay ra khỏi khe hở hai bên, thắt đai ngang lưng rồi đeo găng tay vào.

Bộ quần áo này dùng để chống ong đốt rất tốt, tuy đơn giản nhưng lại hiệu quả.
Hai người nâng vỉ cành dương liễu đến gần tổ ong, lúc này tổ ong đã náo loạn, nhiều con ong bay ra, rất nhiều ong vò vẽ bò trên cành cỏ, cũng có nhiều con bay đến trên người họ.
Cũng may là họ đã đeo kính và đeo mặt nạ phòng độc, nếu không thì cũng sẽ bị khói hun cho nước mắt chảy ròng.
Bọn họ cầm vỉ dương liễu nghi ngút khói quơ tới quơ lui, tổ ong dần dần trở lại yên tĩnh, trên cỏ là một lớp ong ong choáng váng rơi xuống.
Một lúc sau, Hà Điền nhặt một khúc củi hun khói tiến đến gần tổ ong, những con ong đang bò trên đó ngoe nguẩy một cách đáng thương, bị khói hun cho choáng váng, chúng hoặc tránh ra, hoặc rơi xuống đập cánh yếu ớt trong hốc cây, phát ra tiếng kêu vo ve.
Lúc này tổ ong đã lộ hẳn ra ngoài, các lỗ hình lục giác dày đặc được phủ một lớp mật gần như có màu đen, mùi thơm nồng.
Lúc này đàn ong hoàn toàn mất đi khả năng phòng thủ, Hà Điền và Dịch Huyền dùng nước dập tắt khúc củi đang bốc khói đi, cởi dây thừng trên thắt lưng ra, hai tay thò vào tấm màn, tháo kính và mặt nạ.

Nào màn nào kính, thật sự là khó nhìn thấy đường.
Hà Điền lấy một con dao tre ra và bắt đầu cắt mật ong.
Ngay khi tổ ong bị phá hủy, mật ong lập tức chảy xuống, Dịch Huyền ở bên cạnh vội mở một hũ thủy tinh lớn ra hứng, một miếng mật lớn rơi vào, trên đó còn có vài con ong đang bất tỉnh.
“Tại sao màu của mật ong này lại đen như vậy?” Anh hỏi Hà Điền.
Cô cắt một miếng mật ong khác cho vào hũ: “Bởi vì ở đây có rất nhiều mâm xôi.

Mật hoa của quả mâm xôi có màu này.”
Dịch Huyền cẩn thận ngửi, quả thực có mùi thơm của quả mâm xôi trong mật ong.
Cái hũ gần đầy, Hà Điền không cắt nữa.

Cần để lại hơn nửa tổ ong cho lũ ong nhỏ này để chúng tiếp tục sống khỏe mạnh, vậy thì hàng năm đều sẽ có mật.
Mật ong trong hũ thủy tinh đặc dính và trong suốt, các mảnh vụn của tổ ong từ từ nổi lên trên bề mặt của mật ong, không khí lẫn vào khi mật chảy ra tạo thành bọt khí trong mật.
Thành phần chính của tổ ong là sáp ong, cô sẽ đem tổ ong về nhà rồi vắt hết mật ra, sau khi rửa sạch thì cho thêm thuốc bắc và mỡ vào đun nóng, khuấy đều rồi đổ vào hộp tre nhỏ, làm thuốc mỡ dùng để bảo vệ môi vào mùa đông.
Sau khi lấy mật, họ đi bộ đến con suối gần rừng dâu tằm.

Bọn họ không thể cứ thế này về nhà được, đặc biệt là Hà Điền, trên người cô dính đầy mật, nếu thu hút những con ong và côn trùng khác, bị chúng đốt thì sẽ rất thảm.
Khi đến suối, Dịch Huyền làm theo chỉ dẫn của Hà Điền đặt hũ mật ong vào cỏ trước, sau đó xé vài lá dâu tằm để lau sạch mật ong trên hũ, rồi dùng cỏ nhúng nước lau sạch hũ.
Đặt hũ đã rửa sạch vào trong nón rơm, như vậy sẽ không sợ bị va đập.
Hà Điền rửa sạch dao tre và bao tay bên suối, lấy nón lưới xuống, vui vẻ ngồi trước hũ mật ong, mở nắp ra, đưa ngón trỏ vào mật ong khuấy đều: “Haha, để tôi nếm thử mật ong năm nay xem nào!”
Mật ong đặc dính trên đầu ngón tay cô từ từ chảy xuống, cô đưa ngón tay vào miệng, nheo mắt lại nói một cách say sưa: “Ngọt quá! Anh cũng thử đi!” Cô nói với Dịch Huyền.
Nắng chiều khiến khuôn mặt anh ửng hồng, anh nhìn Hà Điền: “Nếm thử như thế nào?”
“Dùng cái này đó!” Hà Điền giơ ngón tay lên lắc lắc: “Chúng ta cần gì phải mang theo muỗng? Dù sao thì mật ong này cũng cho chúng ta ăn mà, chẳng lẽ còn ngại ngón tay của mình bẩn? Hơn nữa không phải vừa mới rửa sạch rồi sao?”
“À.” Dịch Huyền nở nụ cười.
Hà Điền nghĩ nụ cười này có chút kỳ quái, lại nhìn thấy Dịch Huyền nắm lấy tay cô, kéo đến trước mặt anh, mở miệng, ngậm ngón tay cô vào.
Anh, anh, anh đang làm cái gì vậy?
Cô choáng váng như bị sét đánh.
“Ừ.

Đúng là rất ngọt.” Dịch Huyền nhả ngón tay ra, mỉm cười với cô.
Hà Điền cảm thấy ngón tay trên bàn tay phải không phải là của mình nữa, cô không thể co hay rút lại được.

Cô ngây người nhìn Dịch Huyền một lúc, mặt và tai càng lúc càng đỏ: “Tôi…!ý của tôi là…!anh dùng tay của anh đi…!Tôi cũng không chê anh bẩn.”
Anh cười “phì” một tiếng, rồi nhấc tay cô lên lắc lắc: “Cô vừa rửa tay rồi mà?”
Lúc này họ đang ngồi kề vai cạnh nhau, nhưng không hiểu sao giọng nói của cả hai đều rất nhỏ, như là đang thì thầm.
Hà Điền muốn rút tay lại nhưng Dịch Huyền đã giữ chặt cổ tay cô, anh cứ nhìn chằm chằm vào cô mà cười, khuôn mặt cô càng lúc càng nóng hơn, ngượng ngùng hất tay anh ra với vẻ khó chịu.

Không ngờ, anh lại dùng lực giữ chặt lấy cô, tiếp cận đến gần.
Tự nhiên như cánh bướm đậu trên nụ hoa, môi anh cũng nhẹ nhàng đậu trên môi cô.
Dòng suối chảy róc rách, thảm thực vật phơi nắng cả ngày tỏa hương thơm ngát, vài chú ong chăm chỉ tranh thủ những tia nắng cuối cùng vo ve bay trong đám cỏ.
Trong rừng luôn luôn có tiếng động, nhưng lúc này đây, hai người ngồi trong rừng chỉ có thể nghe thấy tiếng nhịp tim của nhau.
Nụ hôn này nhẹ và nông, nhưng, có vị ngọt đậm đà của mật..


Mẹo: Bạn có thể sử dụng trái, phải, A và D phím bàn phím để duyệt giữa các chương.